Mới đây, dư luận người dân xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) phản ánh đến Báo TN&MT về tình trạng nhà máy đường của đơn vị này ngang nhiên xả nước thải có màu đen, hôi thối trực tiếp ra sông Lam, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lần theo phản ánh của người dân, những ngày đầu tháng 3/2022, PV đã có mặt tại xã Đỉnh Sơn để tìm hiểu thực hư sự việc.
Thấy PV xuất hiện, nhiều người dân ở xã Đỉnh Sơn đã tập trung “tố” nhà máy đường này hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể là xả nước thải trực tiếp có màu đen ngòm ra sông Lam, chất thải từ quá trình sản xuất cũng tập kết phía sau khuôn viên nhà máy nhưng không có mái che nên khi trời mưa nước sẽ trôi dạt ra môi trường xung quanh và tràn trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, do đơn vị này đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường chưa tương xứng với quá trình sản xuất nên mùi hôi thối, khó chịu phát ra trong quá trình sản xuất cũng khiến cho người dân sống xung quanh phải hứng chịu, bức xúc mỗi khi đơn vị này vào vụ sản xuất.
Theo ghi nhận của PV, những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, tại phía sau nhà máy đường này, các chất thải như bã mía, sỉ than…phát sinh từ quá trình sản xuất được đơn vị này chất đống cao vút. Tuy nhiên, lại không được xây dựng mái che cũng như hệ thống thu gom nước nên khi trời mưa nước rỉ từ các chất thải này sẽ chảy tràn ra ngoài môi trường, chảy ra sông gây ô nhiễm. Hơn nữa, quá trình sản xuất còn gây ra những mùi hôi thối khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Đặc biệt, trong quá trình hoạt động sản xuất, lượng nước thải phát sinh của nhà máy là rất lớn. Tuy nhiên, thay vì xử lý đạt chuẩn theo quy định mới xả ra ngoài môi trường thì đơn vị này lại xả thẳng ra sông Lam bằng một con mương có nối ống thải lớn. Màu nước thải đen ngòm cứ thế chảy thẳng ra sông Lam, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo quan sát của PV, tại khu vực xả thải của nhà máy này nước thải màu đen bao trùm cả khu vực. Nguồn nước sông hình thành hai màu rõ rệt với màu đen “chủ đạo” trước khi bị nguồn nước sông cuốn trôi về hướng hạ du. Những cặn thải màu đen lơ lửng còn vương vào những tảng đá, mép sông khiến những ai trông thấy đều cảm thấy lo lắng cho nguồn nước sông Lam sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Một người dân chèo thuyền đi qua khu vực xả thải ra sông của nhà máy này, phản ánh: Nhà máy đường sông Lam này cứ đến vụ hoạt động sản xuất là xả thải ra sông, gây ô nhiễm môi trường. Hiện tượng trên xảy ra đã lâu nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng không hề kiểm tra, xử lý?
Được biết, chỉ cách khu vực xả thải trực tiếp của nhà máy này vài chục mét là một vài hộ dân sinh sống đã hàng chục năm nay. Theo các hộ dân nơi đây thì hiện tượng xả thải xuống sông xảy ra như cơm bữa với khối lượng nước thải rất lớn. Ngoài ra, mùi hôi thối phát sinh từ quá trình sản xuất cũng khiến cho các hộ dân sống xung quanh bất an, bức xúc.
Phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế tại hiện trường của PV là như vậy. Thế nhưng, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Đặng Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT – người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp này lại cho rằng đơn vị vẫn làm tốt công tác bảo vệ môi trường, vận hành hệ thống xử lý nước thải bình thường. Tuy nhiên, sau đó, trước những câu hỏi của PV thì ông Hùng cũng phải thừa nhận rằng, nước có màu đen mà PV ghi hình được khi chảy ra sông Lam là “do hôm đó gặp chút “sự cố” nên có xỉ than hoà vào nước chảy ra”(?).
Liên hệ với những người có trách nhiệm của chính quyền, ông Cao Phi Nhật – Phó chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn, cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận được thông tin và xã đang phối hợp với Phòng TN&MT huyện để tiến hành kiểm tra, xác minh. Có kết quả cụ thể như thế nào sẽ thông tin cụ thể cho báo chí biết.
Còn ông Hoàng Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho hay: Thông tin phản ánh chúng tôi sẽ tiếp nhận và lập tức cử cán bộ đi kiểm tra thực tế. Nếu đúng sự thật như đã phản ánh sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin mới nhất của chúng tôi, sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm Công ty CP mía đường Sông Lam về công tác bảo vệ môi trường. Đoàn này giao cho Sở TN&MT tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn.
Nguồn: Báo điện tử của bộ Tài nguyên và Môi trường